Sàng lọc ung thư sớm là chủ động sử dụng các phương pháp y khoa để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi cơ thể chưa có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện chưa rõ rệt; khi khối u còn nhỏ, thậm chí chưa hình thành nên chưa gây các hậu quả nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm bệnh giúp cho việc điều trị thuận lợi, chi phí điều trị thấp nhất với hiệu quả cao nhất, người bệnh có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn phần lớn các loại ung thư.
Có rất nhiều phương pháp sàng lọc và chẩn đoán ung thư đang được áp dụng như khám lâm sàng, thăm dò cận lâm sàng: X-quang, siêu âm, CT scanner, chụp nhiệt, chụp nhấp nháy, chụp MRI, PET - CT, xét nghiệm gen ung thư, xét nghiệm máu định lượng các dấu ấn ung thư…
Hiện nay, xét nghiệm máu định lượng các dấu ấn ung thư (Tumor marker) được ứng dụng rộng rãi trong sàng lọc phát hiện sớm nhiều loại ung thư, trong chẩn đoán thể bệnh, theo dõi hiệu quả điều trị và đánh giá tái phát… Đây cũng là phương pháp an toàn, không xâm lấn, cho kết quả nhanh, có thể lấy mẫu tại nhà vô cùng thuận tiện và chi phí thấp.
Sàng lọc ung thư sớm thường tiến hành định kỳ 6 tháng - 1 năm/1 lần, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ cao.